Nói đến ẩm thực Việt Nam phải nhắc đến phở, bún, hủ tiếu, bánh căn, bánh bèo, bánh xèo, cơm tấm, cơm lam, cơm nị, cơm cháy chà bông,... Đây là những món ăn được chế biến từ gạo gắn bó lâu đời với người Việt.
Từ bao đời nay, các món ăn sợi gạo, hay bánh gạo, cơm gạo đã chiếm một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Đất nước ta trãi dài được phân làm ba miền Bắc - Trung - Nam, có 54 dân tộc anh em nên các món ăn từ gạo cũng được biến tấu theo văn hóa của từng miền từng dân tộc, làm cho các món ngon từ gạo cũng đa dạng theo.
Cơm lam không chỉ là món ăn quen thuộc, mà còn có giá trị tâm linh đặc biệt đối với người dân vùng cao. Đây là món ăn đậm hương rừng, được chế biến rất công phu, thuận theo nguyên lý âm dương ngũ hành. Gạo đựng trong ống tre (mộc) hòa với nước trong chính ống tre hoặc từ suối nguồn (thủy), nấu chín bằng lửa nhỏ (hỏa) trên mặt đất (thổ),… Cơm lam thơm mùi gạo nương lẫn với mùi ống tre nướng, vị ngọt và dẻo, ăn kèm với muối vừng hoặc muối lạc.
Đây là món ăn truyền thống của người Chăm. Món cơm nị có màu vàng của bột nghệ, mùi thơm của cà ri, vị đặc trưng của lá tía tô và vị ngọt của tôm mực rất hấp dẫn khiến ai đã từng thưởng thức dù chỉ một lần cũng không thể nào quên. Người Chăm hay ăn cơm nị với cà púa (được chế biến từ thịt bò, cà ri, hành ớt muối, nước cốt dừa,... theo phong cách Chăm).
Thưởng thức cơm nị - cà púa, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt béo của sữa, bùi bùi của đậu phộng, vị ngọt của thịt bò, nho khô, cay nồng của ớt hòa trộn vào nhau.
Người Tày trồng nhiều lúa nếp nên với họ, món ăn chính chủ yếu là xôi. Vào những dịp lễ, người Tày thường làm xôi ngũ sắc - Một trong những món đặc sắc nhất của họ.
Xôi được chế biến khá công phu. Nguyên liệu làm màu đều lấy từ những loại cây cỏ ngâm lẫn với gạo như: co khảu cắm, co khảu đeng, hản mẩu, gừng, nghệ. Xôi đồ lên sao cho có đủ 5 màu: Trắng, đỏ, tím, xanh, vàng. Sau khi được gói bằng lá rừng, xôi tỏa lên hương vị thơm ngon, dẻo ngọt của hạt gạo, làm tăng không khí ấm áp khi tiếp đón du khách thập phương.
Với người Kinh, cơm là món ăn phổ biến, do vậy, có nhiều món ăn độc đáo, đặc trưng cho từng vùng miền. Một trong số đó phải kể đến cơm tấm, món ăn bình dị của người miền Nam. Đĩa cơm tấm ngon là cơm phải khô, khi chín hạt cơm không được dính nhau. Nguyên liệu ăn kèm cơm tấm rất phong phú gồm có sườn non, sườn nướng, trứng, bì, chả, thịt kho, phá lấu,...
Ăn cơm tấm không thể thiếu chén nước mắm chua ngọt đơn giản nhưng rất tinh tế. Nước mắm được nấu với đường và nước lạnh theo một tỷ lệ nhất định, sao cho nước chấm có độ sánh, khi rưới lên đĩa cơm dễ dàng thấm vào từng hạt gạo, thớ thịt. Thêm một ít đồ chua như củ cà rốt, củ cải trên đĩa cơm nữa là món ăn trở nên đủ vị và ngon miệng.