Trong vài năm trở lại đây, gạo lứt đang trở thành một trong những xu hướng ăn uống khi chúng được biết đến với nhiều lợi ích liên quan giảm cân, giảm béo hay hỗ trợ phòng bệnh. Trên thực tế, loại gạo này từ lâu vẫn được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá cao và khuyên dùng với những người có bệnh lý liên quan chuyển hóa như đái tháo đường. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa những loại gạo khác không tốt.
Cụ thể, từ hạt gạo nguyên thô, người nông dân chỉ tách bỏ lớp vỏ trấu, toàn bộ phần còn lại bao gồm cả nhân gạo trắng và lớp vỏ cám được đưa vào chế biến thành cơm chính là gạo lứt.
Trong khi đó, gạo lật nảy mầm là gạo lứt được đặt vào một điều kiện nhiệt độ, độ ẩm nhất định cho nảy mầm, sau đó sấy khô trở lại để sử dụng. Gạo trắng xay xát kỹ là các hạt gạo đã được sơ chế và loại bỏ toàn bộ lớp vỏ trấu, vỏ cám bên ngoài, chỉ giữ lại phần hạt gạo dẻo trong cùng.
Với gạo lứt, sau khi bỏ lớp vỏ trấu, sản phẩm này vẫn còn giữ được một lớp vỏ cám bao quanh phần nhân trắng. Phần vỏ cám này chính là nguyên nhân chính giúp gạo lứt sở hữu hàm lượng chất xơ khá lớn.
Mặt khác, gạo lứt cũng được chứng minh có khả năng làm giảm chỉ số đường máu sau khi ăn. Điều này có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường. Ngoài ra, gạo lứt cũng rất tốt cho các trường hợp mắc một số bệnh lý không lây nhiễm khác.
Với gạo trắng xay xát kỹ, đây là loại gạo quen thuộc với đa số người dân Việt Nam. Tuy nhiên, PGS Nhung cho biết việc loại bỏ toàn bộ lớp vỏ trấu, vỏ cám bên ngoài khiến hạt gạo mất hết lượng vitamin nhóm B.
“Trên thực tế, nguồn cung cấp vitamin nhóm B chủ yếu cho cơ thể đến từ các loại ngũ cốc. Việc chế độ ăn thường ngày thiếu các vitamin nhóm B sẽ dẫn đến một số vấn đề liên quan trao đổi chất”, vị chuyên gia nói.