Cám gạo là một trong những thành phẩm thu được sau khi xay hạt lúa. Thành phần dinh dưỡng cám gạo khá phong phú nên từ lâu đã được thu gom và buôn bán trên thị trường song song với gạo. Công dụng của cám gạo bao gồm dùng làm thức ăn cho gia súc, động vật, làm bánh cám khô và chế biến thành dầu ăn.
Vì thành phần dinh dưỡng dồi dào, cám gạo được tận dụng để bán ra thị trường mà không bị vứt bỏ. Các vitamin nhóm B, vitamin E, chất béo không bão hòa được tìm thấy nhiều trong cám gạo. Ngoài ra, thành phần dinh dưỡng cám gạo còn bao gồm:
Thành phần dinh dưỡng có trong cám gạo được đánh giá là đa dạng và cân đối, nên được xem là một nguồn thực phẩm tốt cho con người. Tuy nhiên, cám gạo thường có mùi hôi khi chế biến. Vì vậy, trên thực tế chúng thường chỉ được sử dụng làm thức ăn cho động vật. Nguyên nhân là do thành phần dinh dưỡng cám gạo chứa một số enzyme oxy hóa chất béo hoạt động mạnh, trong thời gian ngắn sau khi chế biến có thể tạo ra mùi hôi. Ngoài ra, kỹ thuật của việc xay xát lúa gạo ở nước ta chưa thực sự phát triển. Cám gạo sau khi xay thường lẫn nhiều thứ, bao gồm cả vỏ trấu và đất cát.
Tuy chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, nhưng vì các lý do kể trên, cám gạo không được con người sử dụng. Công dụng phổ biến nhất của cám gạo là làm thức ăn cho động vật như lợn và cá. Khi dùng làm thức ăn cho cá, cám gạo được nấu chín, sau đó trộn chung với các loại rau cắt nhỏ và cá nhỏ. Nguồn thức ăn này cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như vitamin, chất béo và chất đạm. Theo kinh nghiệm của người chăn nuôi, cám gạo nên được trộn lẫn cùng với gạo xay nhuyễn để tăng độ kết dính của các nguyên liệu.
Một công dụng khác của cám gạo là sản xuất dầu. Mặc dù dầu cám chưa được sử dụng phổ biến như các loại dầu khác nhưng vẫn là một loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe vì giàu chất béo không bão hòa. Ngoài ra, dầu cám còn là nguồn cung cấp vitamin E dồi dào nên đang dần được ứng dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ như làm nguyên liệu sản xuất các loại mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.